Dưới đây là danh sách Tiên học lễ hậu văn hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi
Đơn giản là vì câu Tiên học lễ, hậu học văn không có nguồn gốc từ Hán ngữ và cũng không phải là câu xuất phát từ quan điểm chữ “lễ” của Khổng Tử. Theo sách Từ Hải, Lễ (礼) vốn nghĩa là kính thần rồi dần chuyển nghĩa thành kính trọng ai đó, về sau dùng để “chỉ các quy phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội” (Luận ngữ).
Chữ lễ (礼) không phải do Khổng Tử nghĩ ra và cũng không xuất phát từ Nho gia, bởi vì trước đó, “lễ” đã manh nha từ thời Tam Hoàng Ngũ đế, đến thời Nghiêu-Thuấn thì trở thành lễ nghi qua “ngũ lễ”: cát lễ (吉礼), hung lễ (凶礼), tân lễ (宾礼), quân lễ (军礼) và gia lễ (嘉礼). Khổng Tử thời Xuân Thu chỉ là người kế thừa, phát huy chữ lễ đến mức tột đỉnh của Nho gia: “khắc kỉ phục lễ” (克己复礼), để rồi trong thiên Nhan Uyên của Luận ngữ, Khổng Tử viết: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, nghĩa là: “Không hợp với lễ thì đừng nhìn, không hợp với lễ thì đừng nghe, không hợp với lễ thì đừng nói, không hợp với lễ thì chẳng nên làm”. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đã sử dụng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí để làm nền tảng chuẩn mực cho đạo đức. Lễ chính là “tâm khiêm tốn nhường nhịn” (từ nhượng chi tâm/辭讓之心), “tâm biết đúng sai” (thị phi chi tâm/是非之心), lễ là một trong những phẩm hạnh đạo đức của con người. Về sau, Tuân Tử còn coi trọng “lễ” hơn cả Mạnh Tử (qua trước tác Lễ luận). Tuân Tử sử dụng “lễ” và “hình” để trị nước…
Đó là vài nét về chữ lễ ở Trung Quốc thời xưa, còn ở Việt Nam hiện nay thì sao?
Có quan điểm cho rằng nên bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn vì câu này là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, khiến người dưới phải phục tùng, giữ “lễ” với người trên, trở nên thụ động và không còn tư duy phản biện. Việc loại bỏ câu này giúp giải phóng sức sáng tạo…
Quan điểm trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, bởi vì, hiện nay chữ “lễ” không còn được hiểu là phục vụ cho giai cấp phong kiến và Nho giáo, mà chính là “lễ nghĩa, đạo đức, những phép tắc ứng xử đúng đắn, tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội. Lễ thực chất là học làm Người”. Câu Tiên học lễ, hậu học văn có ý nghĩa là “trước hết phải rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết”.
Vậy, câu Tiên học lễ, hậu học văn xuất hiện vào thời nào? Có nhà nghiên cứu khẳng định là vào thời Chu Văn An (1292 – 1370), nhưng chưa có cứ liệu nào chứng minh được điều này. Câu Tiên học lễ, hậu học văn có lẽ là do những nhà Nho người Việt nghĩ ra, xuất hiện từ giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19 (thời nhà Nguyễn), đặc biệt là được treo trong những trường tiểu học và trung học tại miền Nam Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong quyển Vietnam and the Chinese Model A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century của Alexander Woodside (Harvard University. Council on East Asian Studies, 1988, tr.343).
Có người cho rằng “dù hiểu chữ lễ theo nghĩa tốt thì cũng không nên duy trì “khẩu hiệu” này, không nên đặt “lễ” (đạo đức) trước “văn” (tri thức), vì hai thứ đều cần như nhau, không trước không sau”. Dĩ nhiên, quyết định bỏ hay giữ câu Tiên học lễ, hậu học văn thì còn tùy thuộc vào giới có thẩm quyền. Song cần lưu ý, nếu vẫn giữ câu này thì không nên coi chỉ là lời nói suông, mà cần phải là phương châm định hướng giáo dục.
Bản quyền nội dung thuộc wonderkidsmontessori.edu.vn
Bài viết liên quan