Duới đây là các thông tin và kiến thức về Nha tho pham ho hot nhất hiện nay được bình chọn bởi người dùng
Nhà thơ Phạm Hổ sinh năm 1926 tại xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, thuộc thế hệ trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tác phẩm của ông xuất hiện trên báo khá sớm với bút ký “Vén mắt” viết về công tác truyền bá chữ quốc ngữ và chống nạn mù chữ trên tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tập thơ đầu tiên ông viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp dành cho lứa tuổi măng non là Em vẽ Bác Hồ in năm 1948 ở Khu Năm. Tiếp đó, ông viết hàng loạt bài thơ xuất bản thành tập Lúa non năm 1951, có tiếng vang rộng rãi ở miền Nam Trung Bộ thời bấy giờ.
Sau Hiệp định Geneva, tập kết ra miền bắc, ông làm công tác báo chí, văn nghệ, trải qua các chức vụ: Phó tổng Biên tập thứ nhất tạp chí Văn nghệ, Phó trưởng Ban Ðối ngoại Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, đồng thời tiếp tục sáng tác, làm thơ, viết truyện, kịch, phê bình văn học, dịch thuật…
Hàng loạt tác phẩm của ông ra mắt bạn đọc: Những ngày xưa thân ái (thơ, 1957); Ra khơi (thơ, 1960), Trong đêm khuya miền nam (truyện thơ, 1964); Mỗi ngày đêm đất nước (thơ, 1965); Ði xa (thơ, 1973); Tình thương (tiểu thuyết, 1977), v.v. Ðặc biệt, ông sáng tác rất nhiều tác phẩm cho lứa tuổi măng non. Hàng chục tập thơ và văn như: Bê và sáo, Viết thư cho cha, Khẩu súng người ông, Lửa vàng lửa trắng, Cái nhà giữa hồ, Chuyện hoa chuyện quả, Chú bò tìm bạn, bộ ba vở kịch Nàng tiên thành ốc, v.v.
Ông là một cây bút viết cho thiếu nhi rất thành công. Thơ văn của ông giàu trí tưởng tượng, vui tươi, ngộ nghĩnh, dễ đọc, dễ nhớ hợp với tâm lý trẻ thơ. Ông dựng lại những trò chơi của trẻ như chồng nụ, chồng hoa, dung dăng dung dẻ, nu na nu nống, v.v. cung cấp cho tuổi thơ nhiều chuyện rất thật mà lạ vô cùng của thiên nhiên, đời sống, có tác dụng thẩm mỹ, bồi dưỡng việc hình thành nhân cách của các em ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, từ yêu thương cây cỏ, loài vật, đến quan hệ giữa người và người. Nhiều tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi được dịch in ở Nga, Pháp, Trung Quốc, Ðức, Hungary, v.v.
Ông còn là một dịch giả đã dịch nhiều sáng tác thơ văn nước ngoài ra tiếng Việt và là một họa sĩ đã vẽ rất nhiều tranh. Bộ sưu tập tranh của ông có đến hàng trăm bức ký họa, phấn mầu, bột mầu, khắc gỗ… Tranh của ông đã được triển lãm ở Hà Nội và một số nơi trong nước.
Là một đảng viên trung thực, thẳng thắn, tận tụy, một cán bộ, nghệ sĩ hết lòng vì nước, vì dân, vì thế hệ trẻ, nhà thơ Phạm Hổ đã có cống hiến xuất sắc trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Ông đã được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Ðồng, v.v.
Ông là cộng tác viên tích cực của báo Nhân Dân cùng nhiều báo, đài ở trung ương và địa phương. Ông sống giản dị, khiêm tốn, hòa nhã, được đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và người thân kính trọng, quý mến.
Phạm Hổ thuộc số ít những tên tuổi văn nghệ sĩ viết cho thiếu nhi rất được hâm mộ. Có thể nói ông là nghệ sĩ suốt đời vì thế hệ trẻ. Ông thường tâm sự: Nếu được sống thêm một lần nữa ở kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề làm thơ, viết văn cho các em đọc, vẽ tranh cho các em xem. Tôi thường lấy lòng yêu mến các em, lấy công tác mình làm cho các em làm thước đo lòng mình đối với dân với nước”.
Bản quyền nội dung thuộc wonderkidsmontessori.edu.vn
Bài viết liên quan